728x90 AdSpace

Hạnh phúc lớn nhất đó là được bên cạnh người mình yêu mãi mãi

Latest News

Wednesday, 17 December 2014

Đằng sau những câu mắng chửi của mẹ chồng

Giờ đây, Ngân dần trở nên quen thuộc với những câu mắng chửi của mẹ chồng, đến mức không có thì cô còn thấy thiếu thiếu…

Ăn ở thế này thì có mà chết à? Mang cả máy tính lên giường làm việc, cái gì cũng cho lên giường, ăn trên giường rồi ị luôn trên giường ấy!” - tiếng mẹ chồng Ngân xa xả vang lên, còn con dâu của bà là Ngân, cũng chính là đối tượng được bà nhắc đến thì đang xụ mặt lắng nghe, chả dám ho he cãi lại nửa lời. Đứng tê cả chân, nghe bà ca xong một bài dài, Ngân mới được tha bổng. Mẹ chồng xuống nhà, để lại Ngân lập cập thu dọn chiến trường là chiếc giường mà cô mang cả máy tính, đồ ăn vặt lên vì trời mùa đông lạnh quá!

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Ngân bị mẹ chồng mắng te tát, mắng dài và gay gắt như thế. Ngay từ những ngày đầu cô về làm dâu, cô đã thường xuyên được nghe những lời mắng chửi của mẹ chồng như vậy. Phòng của 2 vợ chồng, cô bận chưa kịp dọn, bà chẳng may đi qua nhìn thấy, bà làm cho con dâu luôn 1 tràng: “Giời ơi, bẩn thỉu thế này thì mai sau có con có mà cứt đái trẻ con lộn lên đầu! Phụ nữ thì phải ngăn nắp gọn gàng chứ, giờ có đôi vợ chồng son còn lo không xong, đẻ con ra thì mới biết mặt!”. Bà nhờ Ngân lau bàn thờ hộ, cô nhỡ tay làm vỡ một cái chén đựng nước thờ, bà liền nộ khí xung thiên: “Làm ăn hậu đậu, vụng về thế này có ngày các cụ vật cho chết! Dọn dẹp chỗ linh thiêng mà không chú ý, để tâm vào gì cả!”. 3 tháng sau khi cưới, Ngân cấn bầu. Ngân thấy bà cười tươi lắm, tưởng là bà vui thế thì từ giờ sẽ dễ tính với mình. Ai ngờ, bà đi thị sát một vòng quanh phòng của vợ chồng cô rồi lại tiếp tục mắng ầm ầm: “Cửa sổ phải mở ra cho không khí thông thoáng chứ! Ăn ở thiếu ô xi như thế, em bé nó phát triển không tốt, nó bệnh tật rồi đẻ ra quặt quẹo tha hồ mà chăm nhé!”. Ngân nghe những lời nói ác miệng của mẹ chồng mà thấy rùng mình, run như cầy sấy.

Đằng sau những câu mắng chửi của mẹ chồng 1
Ngay từ những ngày đầu cô về làm dâu, cô đã thường xuyên được nghe những lời mắng chửi của mẹ chồn (Ảnh minh họa).

Đấy chỉ là một vài ví dụ, chứ có kể hết ra thì cả ngày cũng không hết. Bởi, mẹ chồng Ngân có thể mắng chửi, phê bình, phàn nàn vì bất cứ chuyện gì từ nhỏ đến to. Mà mỗi lần bà mắng thì dùng những từ ngữ rất khó nghe, nói dài và lâu. Thỏ thẻ với chồng thì chồng cô điềm nhiên phán: “Ôi dào, tính mẹ thế rồi, anh quen rồi. Em cứ nghe tai này rồi cho sang tai kia là được mà!”. Ngân chán chả muốn tâm sự với chồng nữa.

Nói thực là Ngân ở nhà mẹ đẻ bao năm có bao giờ cô bị nói nặng lời nửa câu, đi làm cũng bị sếp mắng nhưng trình mắng của sếp còn lâu mới theo kịp mẹ chồng cô. Vì thế, mới chân ướt chân ráo về làm dâu, phải nghe những lời mắng chửi với cường độ mạnh và tần suất thường xuyên như thế, Ngân sốc lắm. Có lúc cô cứ suy nghĩ, đăm chiêu và lo lắng, cả ngày ngây ngẩn chả làm được việc gì ra hồn. Dần dà, Ngân thấy sợ mẹ chồng, thấy xa cách lắm, không thể gần gũi, hòa hợp được với bà vì cứ lăm le định tâm sự chuyện gì là lại bị ăn mắng lên bờ xuống ruộng rồi còn rảnh lúc nào đâu mà xây dựng tình cảm được nữa!

Nhưng qua một số sự việc, Ngân đã phải thay đổi cách nhìn nhận của mình về mẹ chồng. Cô đang mang bầu, tối mùa đông 2 vợ chồng cơm nước xong bèn rủ nhau đi ăn ốc nóng. Vừa dắt xe ra tới ngõ, mẹ chồng cô nhìn thấy đã quát to thất thanh: “Đi ra đường mà ăn mặc phong phanh cả vợ cả chồng thế kia à, có biết ngoài trời rét thế nào không? Chị ấy, liệu chừng mà ốm ra đấy, sốt cao, con nó sinh ra bị dị tật thì hay!”. Ngân đứng hình chẳng biết đáp lời thế nào, đã thấy mẹ chồng phi ra nhét vào tay 2 vợ chồng nào khăn nào áo phao rồi quay ngoắt vào nhà. Chồng cô cười cười, Ngân cũng bất ngờ vì hành động của mẹ chồng. Tối đó, đi ngoài đường gió lạnh mà cô thấy lòng ấm áp khó tả, lần đầu tiên cô thấy những lời mắng chửi của mẹ chồng cũng chẳng đến mức khó nghe lắm.

Khi hiểu được điều đó, bỏ qua những lời nói “khẩu xà tâm phật” mà nhìn vào những việc bà làm, những mục đích trong lời nói của bà thì Ngân lại thấy bà không hề đáng sợ chút nào (Ảnh minh họa).

Rồi có hôm mẹ chồng đi đâu về, thấy Ngân đang lúi húi nấu cơm trong bếp còn chồng cô nằm ở sofa chơi game trên điện thoại, bà chỉ thẳng mặt chồng cô mà quát tướng lên: “Thằng này, ai dậy mày để vợ mang bầu nấu cơm trong bếp còn mày ngồi gác chân chễm chệ như ông tướng thế này hả? Học cái thói đấy ở đâu đấy hả?”. Ngân trong bếp cũng bị giật mình, nhưng rồi lại cười mỉm, câu mắng của mẹ chồng cô bình thường cô thấy khó chịu, không quen là thế mà giờ lại thấy nó… đáng yêu ghê mới chết chứ!

Không phủ nhận rằng mẹ chồng Ngân nóng tính như lửa và cũng thẳng như ruột ngựa, nhưng tất cả những lời mắng chửi của bà đều xuất phát từ sự quan tâm đến con cháu, lo lắng cho mọi người trong gia đình rất chân thành mà thôi. Bà lúc mắng thì cứ làm như thể trời sắp sập đến nơi, nhưng nói xong thì là xong, bà chẳng để bụng tí tẹo nào cả. Ngẫm ra thì còn hơn ối người ăn nói nhỏ nhẹ, dễ nghe nhưng lòng dạ thì hẹp hỏi, hiểm ác. Khi hiểu được điều đó, bỏ qua những lời nói “khẩu xà tâm phật” mà nhìn vào những việc bà làm, những mục đích trong lời nói của bà thì Ngân lại thấy bà không hề đáng sợ chút nào, dần dà cô càng yêu quý và thấy gần gũi với bà hơn.

Khi Ngân sinh con, chứng kiến mẹ chồng miệng vừa mắng cả con dâu, con trai nhưng tay bà vẫn thoăn thoắt làm lụng, dọn dẹp nhà cửa, chăm cháu, Ngân bỗng thấy mình may mắn và hạnh phúc vô cùng khi có một người mẹ chồng như vậy. Ở chung nhà với bà hơn 1 năm, Ngân dần trở nên quen thuộc với những câu mắng chửi của bà - việc trước đây cô cho là việc lạ lùng nhất trần đời khi chồng cô nói rằng “anh quen rồi”. Đến mức, giờ đây mỗi khi nghe bà mắng, Ngân đều… cười, chẳng thấy khó chịu, sợ hãi gì nữa. Mấy ngày bà ốm bệnh nằm liệt giường, không được nghe tiếng mắng sang sảng của bà, Ngân còn thấy nhà cửa như trống vắng và thiếu thiếu một cái gì đó, chỉ mong mà mãi mạnh khỏe để mà… mắng con cháu thôi!
Theo afamily.vn
Đằng sau những câu mắng chửi của mẹ chồng
  • Title : Đằng sau những câu mắng chửi của mẹ chồng
  • Posted by :
  • Date : 14:56
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Post a Comment

Top